Logistics là huyết mạch của thương mại quốc tế và ngược lại, thương mại là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo, theo đại diện Ngân hàng Thế giới.
Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo “Chỉ số hoạt động Logistics 2023 – Thước đo khả năng vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới của các quốc gia” (LPI). Theo đó, ấn bản được đưa ra sau 3 năm gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19, gây đứt gãy quá trình vận chuyển. LPI 2023 tiến hành khảo sát 139 quốc gia về mức độ dễ dàng trong việc thiết lập chuỗi cung ứng đáng tin cậy. Đồng thời, ngân hàng này cũng đo lường các yếu tố cấu trúc giúp nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại và vận tải, kiểm soát biên giới của các quốc gia.
Nền kinh tế chỉ phát triển đồng bộ khi logistics hoạt động liên tục. Ảnh: The Africal Logistics
Bà Mona Haddad, Giám đốc toàn cầu về Thương mại, Đầu tư và Năng lực cạnh tranh của Ngân hàng Thế giới cho biết: “Logistics là huyết mạch của thương mại quốc tế và ngược lại. Do đó, báo cáo ‘Chỉ số hoạt động Logistics’ của chúng tôi sẽ giúp các nước đang phát triển xác định những điểm cần cải thiện để nâng cao khả năng cạnh tranh”.
Logistics, hay còn gọi là hệ thống vận chuyển và quản lý hàng hóa, đóng góp không chỉ vào việc vận chuyển hàng hóa hiệu quả và an toàn, còn đảm bảo sự liên kết mạch lạc giữa các bộ phận của quá trình xuất khẩu.
Nền kinh tế chỉ có thể phát triển đồng bộ và thông suốt nếu chuỗi logistics hoạt động liên tục. Vì vậy, vai trò của logistics đối với nền kinh tế ngày càng được phát huy. Logistics trở thành yếu tố thúc đẩy dòng chảy của các giao dịch kinh tế và cũng là một hoạt động quan trọng đối với hầu hết các hàng hóa và dịch vụ.
Theo báo cáo, thời gian vận chuyển trung bình của một container trên tất cả tuyến thương mại quốc tế tiềm năng là 44 ngày, độ lệch chuẩn là 10,5 ngày. Khoảng thời gian đó chiếm 60% thời gian cần thiết để giao dịch hàng hóa quốc tế. Quá trình số hóa toàn bộ chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi đang cho phép các quốc gia rút ngắn thời gian trễ cảng tới 70%, so với các nước phát triển. Hơn nữa, nhu cầu về logistics xanh đang tăng, với 75% đơn vị sản xuất hàng hóa đang tìm kiếm các lựa chọn thân thiện với môi trường, nhất là khi xuất khẩu sang các nước có thu nhập cao.
“Sự chậm trễ vận chuyển lớn nhất thường xảy ra tại cảng biển, sân bay và các cơ sở đa phương thức”, theo bà Christina Wiederer, chuyên gia kinh tế cấp cao tại nhóm Kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Thế giới, đồng tác giả của báo cáo.
Để giảm thiểu điều này, các cơ quan và doanh nghiệp cần đưa ra những chính sách như cải thiện quy trình thông quan, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ kỹ thuật số và khuyến khích logistics bền vững. Đối với logistics bền vững, đơn vị vận tải hàng hóa cần chuyển sang các phương thức ít carbon và kho bãi tiết kiệm năng lượng hơn.
Thanh Thư (theo The Africal Logistics)
admin